Học tiếng Hàn đang trở thành trào lưu trong giới trẻ

Cùng với cơn sốt phim ảnh và thời trang Hàn Quốc thâm nhập vào Việt Nam nói riêng và các nước Đông Á nói chung, ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích ngôn ngữ xứ Hàn.

Phóng viên tờ Korea Herald đã nhìn nhận về trào lưu này và đánh giá về sự hạn chế của hoạt động quảng bá tiếng Hàn của các cơ quan chức năng Hàn Quốc.

Trương Thị Hạnh, một sinh viên đang theo học ngôn ngữ và văn hóa Hàn tại Trường ĐH Ngoại ngữ quốc gia kín lịch phiên dịch cho du khách Hàn Quốc và gia sư cho trẻ em Hàn Quốc sống tại thủ đô. Sau một ngày “chạy xô” với lịch làm việc của mình, mặc dầu mệt mỏi nhưng cô tỏ ra hài lòng với hiệu quả từ công việc: “Tôi nghĩ cách tốt nhất học ngoại ngữ là giao tiếp với người bản xứ”.

Hạnh kể rằng cô lựa chọn tiếng Hàn sau khi bị cuốn hút bởi những bộ phim truyền hình nhiều tập như Chuyện tình mùa thu và Bản tình ca mùa đông. Cô sinh viên 23 tuổi này cho biết: “Sau khi tốt nghiệp tôi muốn được làm việc cho các công ty Hàn Quốc đang làm ăn phát đạt tại Việt Nam”.

Hạnh là một trong hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam bị cuốn hút bởi văn hóa pop Hàn Quốc và học tiếng Hàn để tìm cơ hội việc làm trong những công ty Hàn Quốc.

Các lớp học tiếng Hàn mặc dầu không sẵn như tiếng Anh và tiếng Pháp trong trường học nhưng tiếng Hàn đã trở thành một ngôn ngữ ngày càng phổ biến trong giới trẻ Việt Nam. Nhu cầu nhân lực có chuyên ngành tiếng Hàn tăng bởi Việt Nam đã trở thành nước nhận đầu tư lớn thứ 2 từ các công ty Hàn Quốc trong 3 năm qua (theo KOTRA, Cơ quan đầu tư và thương mại Hàn Quốc). Hơn nữa, khoảng 350.000 người, khoảng 3% lao động Việt Nam làm việc trong các công ty Hàn Quốc và xuất khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam chiếm 10% doanh số nhập khẩu của Việt Nam.

Nhận thấy nhu cầu cao về chuyên gia tiếng Hàn, ĐH Quốc gia Hà Nội và 7 trường ĐH khác đã mở các khoa chuyên ngành tiếng Hàn và hấp dẫn nhiều sinh viên theo học. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở tư nhân, trong đó có ECC Center, cũng cung cấp các khóa học tiếng Hàn.

ECC Center cho biết tại Hàn Nội có khoảng 50 học viên đang theo học tiếng Hàn tại ECC Center. “Tôi đã làm kỹ sư ô tô ở Hàn Quốc và tôi muốn trở lại đó để nghiên cứu kinh tế. Tôi thích cách người Hàn Quốc làm việc” - học viên Dương Đức Thịnh 24 tuổi cho biết. Thịnh tham gia lớp học buổi tối sau khi hết giờ làm và lớp của Thịnh có 10 học viên.

Văn hóa pop Hàn Quốc, mà có ảnh hưởng sâu rộng tới các quốc gia Đông Á, cũng khiến các bạn trẻ Việt Nam muốn học ngôn ngữ mẹ đẻ của những diễn viên mà họ yêu thích. Khi được hỏi vì sao bạn học tiếng Hàn, một nữ sinh trong lớp trả lời chậm bằng tiếng Hàn: “Tôi yêu các diễn viên Hàn Quốc”.

Khi một nhóm du khách Hàn Quốc thăm một ngôi trường ở ngoại ô Hà Nội, nhiều học sinh mặc đồng phục nói bằng tiếng Hàn những từ “Xin chào”, “Bạn là ai?”... Hiệu trưởng của trường cho biết trường không dạy tiếng Hàn nhưng một số học sinh đã học tiếng Hàn ở trung tâm.

Đài Truyền hình Hà Nội cũng đã xây dựng một chương trình dạy tiếng Hàn với sự hỗ trợ của Cơ quan thông tin nước ngoài của Hàn Quốc. “Một nửa số bạn trong lớp tôi xem chương trình này” - Hạnh nói.

Mặc dầu sự phổ biến của tiếng Hàn tại Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung, nhưng những người Hàn Quốc làm việc tại nước ngoài và người ngoại quốc phàn nàn rằng Hàn Quốc đã không năng động trong việc giới thiệu và cổ động ngôn ngữ Hàn ra nước ngoài. Mãi cho tới gần đây, chính phủ Hàn Quốc mới gia tăng những nỗ lực để đưa tiếng Hàn vượt đại dương.

Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc vào năm 2001 đã xây dựng một cơ quan chuyên trách phát triển sách tiếng Hàn và giáo viên giảng dạy trong một nỗ lực đưa tiếng Hàn phổ biến toàn cầu. Cơ quan toàn cầu hoá tiếng Hàn đã xuất bản sách học tiếng Hàn ở cấp độ tiểu học vào cuối tháng 8 vừa qua và phát hành nó, giai đoạn đầu, tới 6 nước: Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Sri Lanka và Mông Cổ - những nước chưa phát triển việc dạy tiếng Hàn.

Hàn Quốc chưa có một cơ quan chính phủ chuyên trách phát triển dạy tiếng Hàn, hiện tại 11 cơ quan chính phủ riêng rẽ thực hiện công việc liên quan. Để tránh trung lắp và phối hợp hoạt động, các cơ quan chính phủ thành lập một uỷ ban tư vấn hồi tháng 6 nhưng dường như chưa hoạt động hiệu quả. Ví dụ, chưa “nối mạng” được sự chỉ đạo với giáo viên trong mạng lưới 37 trung tâm giáo dục tiếng Hàn trên toàn cầu do Bộ Giáo dục điều hành bởi thiếu liên lạc với Bộ này.

“Nếu một cơ quan thực hiện công việc này, chúng tôi có thể tránh được trung lắp. Nhưng hiện tại, mỗi cơ quan phát triển tiếng Hàn tới những đối tượng khác nhau và vì thế rất khó kiểm định hiệu quả và chất lượng” - Gang Ji-tae, một quan chức Bộ Du lịch và Văn hoá nói.

Vấn đề thành lập một Hội đồng sẽ phải tính tới - Gang Ji-tae nói - Chính phủ không có những cơ quan chuyên trách dạy tiếng Hàn với giới thiệu văn hoá kiểu như Hội đồng Anh hoặc Viện Geothe (của Đức). Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển tiếng Hàn ra nước ngoài với việc tăng dần ngân sách cho hoạt động này.

Trung tâm gia sư tiếng Hàn Hà Nội Theo Giáo dục & Thời đại

 
Scroll to top